Hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành cơ khí khuôn mẫu hiện nay đang phải đối mặt. Trong khi đó, số lượng kỹ sư được đào tạo ra trường hàng năm còn ít và không thể làm việc được nếu không được đào tạo lại.
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Tại Hội thảo "Kết nối hình thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành cơ khí khuôn mẫu TP.HCM tầm nhìn đến 2025" do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 6/6, ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết, yêu cầu ngành cơ khí khuôn mẫu là thời gian nhanh nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ thiết kế mạnh, nguồn lực gia công phải tinh nhuệ để có thể tập trung thiết kế, chế tạo trong thời gian ngắn. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp cơ khí khuôn mẫu. Tuy nhiên, theo ông Trí, hiện nay do việc đào tạo còn yếu, kỹ sư lành nghề ít nên việc mất nguồn nhân lực rất dễ xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc
Ông Trí cho biết, để có được nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, Công ty Lập Phúc đã thành lập hẳn một ban đào tạo và liên kết với 13 trường đại học để hợp tác với các trường trong đào tạo sinh viên. Sinh viên đến Công ty thực tập được làm việc, chỉ dẫn cụ thể và trả lương theo công việc. Tuy nhiên, mỗi khóa cũng chỉ đào tạo được khoảng 50 - 60 sinh viên. “Trong quá trình đào tạo, sinh viên cần được thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp mới có thể việc ngay được khi ra trường. Nếu không, hầu hết các em đều phải đào tạo lại” – ông Trí nhấn mạnh.
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cũng cho rằng, để đào tạo được một kỹ sư thiết kế khuôn mẫu, cũng như các kỹ thuật viên chế tạo khuôn mẫu cần có thời gian dài. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, nguồn nhân lực tư do di chuyển, trong khi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong ngành đầu tư vào Việt Nam nên doanh nghiệp trong nước thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nhân lực.”
Năng lực công nghệ hạn chế
Theo ông Tống, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã mạnh dạn đầu tư máy móc chất lượng cao để có thể gia công khuôn mẫu chính xác. Tuy nhiên, công nghệ chế tạo là bài toán phức tạp đối với các khuôn chất lượng cao. Hiện còn một số khuôn trong ngành dập chính xác cao vẫn còn nhập khẩu, do nhà sản xuất chưa tin các doanh nghiệp trong nước có thể chế tạo đạt yêu cầu. Đặc biệt là các khuôn dập cho các sản phẩm siêu nhỏ và các khuôn mẫu cho các sản phẩm được dập trên các máy cao tốc (300 – 400 phát dập/phút), các khuôn dập vuốt sâu, phức tạp. Các khuôn này đòi hỏi thiết kế, chế tạo phải đạt độ chính xác cao nên cần có các công nghệ, máy móc phù hợp và năng lực đội nghũ thiết kế, chế tạo đạt trình độ cao.
Chỉ một số ít doanh nghiệp có khả năng thiết kế, chế tạo khuôn mẫu chính xác cao
Ông Tống cho biết thêm, chỉ một số ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thiết kế, chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, nhưng vẫn còn những hạn chế. Phần nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất các khuôn mẫu với độ chính xác không quá cao, do hạn chế về công nghệ nhiệt luyện, xử lý bề mặt. Trình độ công nghệ nhiệt luyện bề mặt và nhiệt luyện sâu ở Việt Nam còn thấp, chỉ bằng khoảng 60 – 70% so với thế giới. “Đây là công nghệ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cần lượng hàng ổn định ở mức cao để duy trì hoạt động hiệu quả. Trong khi, doanh nghiệp trong nước chiếm đa số là vừa và nhỏ” – ông Tống nói và cho biết, sự chuyên môn hóa của doanh nghiệp chưa cao nên mức độ rủi ro khi đầu tư công nghệ này cũng tăng lên.
Cần hỗ trợ để phát triển
Ông Tống cho rằng, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp cơ khí còn hạn chế nên rất cần nhà nước đầu tư để các doanh nghiệp có điều kiện thực hành. Đồng thời, nhà nước cũng cần có những chương trình nghiên cứu cụ thể để phát triển ngành sản xuất khuôn mẫu. Đối với các doanh nghiệp, ông Tống đưa ra lời khuyên cần phải cân nhắc lựa chọn công nghệ ưu tiên khi đầu tư dựa trên các yếu tố chính như chi phí, rủi ro, nguồn lực vận hành, hiệu quả kinh tế.
Ông Phạm Văn Xu giới thiệu một số gói hỗ trợ doanh nghiệp của Sở KH&CN TPHCM
Ông Phạm Văn Xu – Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở KH&CN TPHCM, cho biết, qua khảo sát hơn 30 doanh nghiệp trong ngành khuôn mẫu hàng đầu của thành phố, Sở KH&CN TPHCM đưa ra một số định hướng nghiên cứu có tính đột phá đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đó là phát triển khuôn mẫu cho các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, đặc biệt là sản phẩm nhựa micro, phát triển kênh dẫn nhựa nóng. Các sản phảm này hiện chưa phát triển mạnh tại TP.HCM trong khi nhu cầu thực tế trong lĩnh vực y tế, sinh học, công nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, phát triển khuôn ép nhựa lớn cho sản xuất nông nghiệp; phát triển các khuôn cho sản phẩm ép bột kim loạn và thiêu kết để tạo sản phẩm; phát triển công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao chất lượng gia công khuôn mẫu trên cơ sở thiết bị hiện có.
Qua đó, Sở dự kiến hỗ trợ một số nhiệm vụ như thiết kế, chế tạo khuôn nhựa nóng, khuôn ép nhựa lớn cho nông nghiệp, khuôn đùn ép bột kim loại để nung kết thành sản phẩm chất lượng cao, phát triển công nghệ và thiết bị.
“Ngoài ra, năm 2019, Sở KH&CN TPHCM có các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: nghiên cứu khoa học và phát triển, đổi mới công nghệ, sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu; chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sở hữu trí tuệ;…” – ông Xu cho biết thêm.
Nguồn: khoahocphattrien.vn