Thông qua hoạt động hỗ trợ nghiên cứu từ các chương trình khoa học – công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và tự đầu tư nghiên cứu, nhiều DN đã làm chủ thiết kế, chế tạo một số dây chuyền tiên tiến và thiết bị phù hợp với điều kiện của Việt Nam, được áp dụng có hiệu quả. Điển hình như: Công ty TNHH Cơ Khí Công Nông Nghiệp Bùi Văn Ngọ (tỉnh Long An), Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An (LAMICO)… đã hoàn toàn đủ năng lực chế tạo hệ thống dây chuyền xay xát lúa gạo đồng bộ, với chất lượng không thua kém dây chuyền nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Vì vậy, sản phẩm không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang (Khánh Hòa), thông qua hoạt động nghiên cứu đã làm chủ thiết kế, chế tạo dây chuyền đồng bộ chế biến cà phê, nông sản, thực phẩm. Hay, Công ty Cổ phần Bơm Hải Dương đã làm chủ việc thiết kế, chế tạo các chủng loại bơm công suất lớn phục vụ nông nghiệp. Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải hiện đang triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy kéo phù hợp với địa hình điều kiện canh tác của vùng miền, đặc biệt là phát triển các loại máy kéo 4 bánh có công suất cao mang thương hiệu Việt Nam, với mục tiêu chủ động sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã làm chủ công nghệ chế tạo thành công nhiều thiết bị phục vụ nông nghiệp chế biến như: Máy sấy hạt; hệ thống thiết bị chế biến nước quả với công suất 5.000 lít/h, giá thành giảm trên 55% so với nhập khẩu công nghệ và thiết bị của châu Âu; máy sấy và xông khói cá có giá thành bằng 30% so với của Trung Quốc và chỉ bằng 15 - 20% so với các nước châu Âu. Một số dây chuyền đồng bộ chế biến các loại hạt giống cây trồng, máy sấy hạt nông sản, rau quả quy mô 50 -1.000kg/mẻ, giá thành chỉ bằng 50 - 60% so với nhập ngoại.
Hiện nay có rất nhiều DN cơ khí cũng như đơn vị nghiên cứu trong nước dù nguồn lực ban đầu không mạnh, nhưng nhờ biết cách tìm hướng đi đúng, cộng với quyết tâm tự vươn lên làm chủ công nghệ, đã sản xuất thành công nhiều loại máy móc có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, các địa phương trong cả nước đã tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cũng như hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, để ngành cơ khí nông nghiệp phát triển, ngoài phụ thuộc vào nội lực của ngành, vẫn cần thêm chính sách hỗ trợ đầu ra, mua máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất từ phía Chính phủ. Cơ chế vay vốn, hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa cần mạnh mẽ, với nguồn lực lớn hơn và đối tượng nên mở rộng đến DN đang có liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực kỹ sư chế tạo cơ khí nông nghiệp, đào tạo lực lượng sử dụng máy nông nghiệp… để quá trình cơ giới hóa nhanh hơn và sớm xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Chỉ riêng ngành lúa gạo đầu tư máy móc vào thu hoạch, lưu kho đã giúp tổn thất sau thu hoạch giảm từ 20% như trước đây xuống còn 10%, tương đương khối lượng 1,5 triệu tấn lúa. Đây chính là thời cơ vàng để ngành cơ khí nông nghiệp bứt phá.
Nguồn: congthuong.vn